Những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
Vào ngày 17/11/2020, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Luật BVMT 2020) thay thế Luật Bảo vệ môi trường 2014 để tạo ra một khung hành lang pháp lý xuyên suốt, những cơ chế linh hoạt trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn phát triển của xã hội. Luật BVMT 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 (riêng Khoản 3 Điều 29 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2021), gồm 16 chương, 171 Điều, thêm mới gần 70 Điều và bãi bỏ gần 50 Điều so với Luật BVMT 2014, được kết cấu lại theo hướng đưa các quy định chi tiết về bảo vệ thành phần môi trường lên đầu để thể hiện sự quan tâm đến môi trường đất nước, sức khỏe nhân dân của Nhà nước.
Luật BVMT 2020 có một số điểm mới nổi bật như sau:
Thứ nhất, bổ sung chủ thể “cộng đồng dân cư”. Theo quy định tại khoản 28 Điều 3 Luật BVMT 2020, “cộng đồng dân cư” lần đầu tiên được định nghĩa là “cộng đồng người sinh sống trên cùng địa bàn thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố hoặc điểm dân cư tương tự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và trở thành một chủ thể được tham vấn trong công tác đánh giá tác động môi trường tại khoản 1 Điều 33 Luật BVMT 2020. Có thể thấy, quy định này phản ánh rõ nét nhất phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” của Đảng và Nhà nước và cũng là tiền đề pháp lý để người dân có quyền nêu lên ý kiến và chủ động bảo vệ môi trường của họ đối với nơi mà họ đang sinh sống.
Thứ hai, phân nhóm các Dự án đầu tư theo tiêu chí môi trường và cắt giảm thủ tục hành chính. Các Luật BVMT trước đây chủ yếu căn cứ vào tiêu chí mức độ tác động đến môi trường và diện tích sử dụng đất để phân loại dự án đầu tư. Tuy nhiên, Luật BVMT 2020 đã bổ sung chi tiết tiêu chí môi trường để phân loại dự án đầu tư và đánh giá tác động môi trường như sau:
Tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư bao gồm: Quy mô, công suất, loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Diện tích sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển; quy mô khai thác tài nguyên thiên nhiên; Yếu tố nhạy cảm về môi trường gồm khu dân cư tập trung; nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; khu bảo tồn thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, thủy sản; các loại rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; di sản văn hóa vật thể, di sản thiên nhiên khác; đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên; vùng đất ngập nước quan trọng; yêu cầu di dân, tái định cư và yếu tố nhạy cảm khác về môi trường.
- Phân nhóm dự án đầu tư căn cứ tiêu chí về môi trường như sau:
(i) Dự án đầu tư nhóm I: Là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, bao gồm:
- Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn; dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;
- Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
- Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô lớn hoặc với quy mô trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
- Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất lớn hoặc với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
- Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất quy mô trung bình trở lên nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
- Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô lớn.
(ii) Dự án đầu tư nhóm II: Là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường (trừ dự án đầu tư nhóm I), bao gồm:
- Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình;
- Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
- Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô trung bình hoặc với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
- Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất trung bình hoặc với quy mô, công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
- Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
- Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô trung bình.
(iii) Dự án đầu tư nhóm III: Là dự án ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường (trừ dự án đầu tư nhóm I và nhóm II), bao gồm:
- Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất nhỏ;
- Dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có phát sinh nước thải, bụi, khí thải phải được xử lý hoặc có phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải.
(iv) Dự án đầu tư nhóm IV: Là dự án không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, gồm dự án không thuộc Dự án đầu tư nhóm I, II, III.
- Ngoài ra, dự án đầu tư nhóm I thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo Điều 29 Luật BVMT 2022.
Luật BVMT 2020 bắt đầu tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với Dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường; không khuyến khích các Dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng diện tích rừng, đất nông nghiệp, tác động đến các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn. Thêm vào đó, việc bổ sung tiêu chí môi trường và đối tượng phải đánh giá tác động môi trường có thể coi là căn cứ để các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đánh giá, nộp đúng và đủ các hồ sơ để thực hiện thủ tục và giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát các Dự án đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục để các Dự án cần thiết cho địa phương sớm được xây dựng và đi vào hoạt động.
Thứ ba, thẩm quyền quản lý nhà nước được thống nhất, nâng cao trách nhiệm của bộ máy chính quyền địa phương.
- Theo Luật BVMT 2014, một dự án cần phải thực hiện song song rất nhiều thủ tục để xin cấp giấy phép con tại các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, dẫn đến tình trạng việc quản lý môi trường không đồng nhất, chồng chéo, các cơ quan khác nhau khó để phối hợp với nhau thường xuyên, hiệu quả làm thời gian thực hiện Dự án kéo dài. Để giải quyết tình trạng trên, Luật BVMT 2020 đã bãi bỏ thủ tục xin cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi để lồng ghép nội dung của giấy phép trên vào Giấy phép môi trường nhằm thống nhất trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết và nguyên tắc quản lý.
- Theo khoản 3 Điều 35 Luật BVMT 2020, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền: “Tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư trên địa bàn, trừ đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án phải thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình”. Như vậy, bộ máy quản lý nhà nước ở địa phương sẽ có nhiều trách nhiệm hơn, không chỉ với những Dự án thuộc thẩm quyền quyết định của mình mà còn với những Dự án thuộc thẩm quyền quyết định của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Quy định này được ra đời để đảm bảo thống nhất việc quản lý tại địa phương, đồng thời dễ dàng hơn trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, cấp phép sau này, làm giảm gánh nặng cho bộ máy trung ương và phát huy được tiềm lực của bộ máy địa phương.
Thứ tư, thúc đẩy phân loại chất thải tại nguồn
- Hiện nay, theo Luật BVMT hiện hành thì việc phân loại, chuyển giao, quản lý chất thải rắn sinh hoạt được quy định theo hướng phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn như sau:
(i) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: Được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
(ii) Chất thải thực phẩm: Được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và được nhà nước khuyến khích tận dụng tối đa làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi.
(iii) Chất thải rắn sinh hoạt khác: Được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường với mục tiêu phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.
Theo đó, việc phân loại chất thải tại nguồn phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024. Nếu sau thời gian này, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân chưa được phân loại riêng thì sẽ phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
- Luật BVMT 2020 lần đầu tiên quy định việc lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt “thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật” (Điều 77, Điều 78). Quy định này mở ra cơ chế minh bạch, công bằng và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam. Đồng thời giảm áp lực cho các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt truyền thống đang quá tải và đang là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường gia tăng.
Cùng với đó, Luật BVMT 2020 còn có nhiều quy định mới liên quan đến nội dung sức khỏe môi trường, giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường; kiểm toán môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ di sản thiên nhiên, đáp ứng quá trình phát triển hội nhập quốc tế.
NGUỒN SƯU TẦM