Giải đáp tình huống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình

1. Chị Trâm được biết ở nước ngoài có phong tục thả đèn trời để cầu may, do đó chị đã làm đèn trời để thả trong dịp Tết nguyên tiêu. Một số người dân xung quanh phát hiện việc chị Trâm đốt, thả đèn trời và đã báo với cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp này, hành vi của chị Trâm sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đối với hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộngnhư sau:
“Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng;
b) Tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng;
c) Để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Thả diều, bóng bay, các loại đồ chơi có thể bay ở khu vực cấm, khu vực mục tiêu được bảo vệ;
đ) Sử dụng tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép;
e) Cản trở, sách nhiễu, gây phiền hà cho người khác khi bốc vác, chuyên chở, giữ hành lý ở chợ, bến tàu, bến xe, sân bay, bến cảng, ga đường sắt và nơi công cộng khác;
g) Đốt và thả “đèn trời”;
h) Không có đủ hồ sơ, tài liệu mang theo khi khai thác tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ;
i) Tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ khi người trực tiếp khai thác, sử dụng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay;
k) Tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ khi phương tiện bay chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay;
l) Phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ quy định trên, đối với hành vi đốt và thả đèn trời của chị Trâm, mức xử phạt tiền sẽ từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

2. Gia đình anh Hoài chuẩn bị tổ chức lễ báo hỷ cho con trai nên anh đã thuê dàn hát karaoke để phục vụ bạn bè và buổi lễ. Tuy nhiên, gia đình anh không chỉ phát nhạc vào ban ngày mà còn bật nhạc tới đêm khuya. Các hộ dân xung quanh đã yêu cầu anh dừng nhạc vì tiếng nhạc quá to làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của mọi người nhưng anh không đồng ý và tiếp tục phát nhạc tới 1h sáng hôm sau. Trường hợp này, hành vi của anh Hoài có bị xử lý theo quy định của pháp luật không?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 8 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đối với hành vi vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung như sau:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;
b) Không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung;
c) Bán hàng ăn uống, giải khát quá giờ quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.”
Căn cứ quy định nêu, việc bật nhạc quá to làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của các hộ dân xung quanh của anh Hoài tới 1h sáng là hành vivi phạm quy định vềgây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau. Do đó, anh Hoài sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

3. Gia đình chị Lê mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ trên mặt tiền đường quốc lộ để buôn bán. Vừa qua, cơ quan có thẩm quyền đã lắp đặt một biển báo giao thông phía trước cửa hàng của chị Lê. Chị Lê cho rằng việc đặt biển báo giao thông đã làm cản trở đến việc đỗ xe của khách đến mua hàng nên chị đã tự ý tháo dỡ biển báo giao thông này xuống. Trường hợp này, hành vi của chị Lê sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 17 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ các công trình công cộng, công trình an ninh, trật tự như sau:
“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tự ý xê dịch các loại biển báo, biển chỉ dẫn, biển hiệu của cơ quan, tổ chức.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tự ý xê dịch, tháo dỡ cột dây điện thoại, điện tín, cột đèn, hàng rào của các cơ quan nhà nước hoặc các công trình công cộng khác;
b) Tháo dỡ, phá hủy hoặc làm bất cứ việc gì khác gây hư hại đến các loại biển báo, biển chỉ dẫn, biển hiệu của cơ quan, tổ chức;
c) Phá hoại, làm hư hỏng tài sản, hiện vật tại mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu; leo trèo hoặc thực hiện các hành vi khác tác động lên cổng, cửa, tường rào của mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu khi chưa được phép.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;
b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.”
Như vậy, trong trường hợp này, hành vi tự ý tháo dỡ biển báo giao thông do cơ quan có thẩm quyền lắp đặt của chị Lê là hành vi vi phạm quy định về bảo vệ các công trình công cộng, công trình an ninh, trật tự. Mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc chị Lê khôi phục lại tình trạng ban đầu.
4. Trong thời gian chờ tìm việc tại thành phố, chị Hoa đã xin vào làm phục vụ tại một quán cà phê gần nơi chị đang thuê nhà trọ. Trong thời gian làm việc tại đây, chị đã bị bà Khánh (chủ quán) nhiều lần lôi kéo, xúi giục chị tham gia bán dâm đồng thời ép buộc bằng cách dọa không trả lương làm việc cho chị. Vậy, trường hợp này, hành vi của bà Khánh sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 26 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đối với hành vi khác có liên quan đến mua dâm, bán dâm như sau:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua, bán khiêu dâm, kích dục.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi che giấu, bảo kê cho các hành vi mua dâm, bán dâm.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi giúp sức, lôi kéo, xúi giục, ép buộc hoặc cưỡng bức người khác mua dâm, bán dâm.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm;
b) Góp tiền, tài sản để sử dụng vào mục đích hoạt động mua dâm, bán dâm;
c) Môi giới mua dâm, bán dâm.
5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với một trong những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.”
Căn cứ quy định nêu trên, bà Khánh đã có hành vi lôi kéo, xúi giục, ép buộc chị Hoa tham gia bán dâm, do đó, mức xử phạt tiền đối với bà Khánh từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc bà Khánh nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
5. Anh Hoàng là người trông coi, quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí K. Do tình hình dịch bệnh không mở cửa được, do đó anh đã giao lại cho các nhân viên tự trông coi. Trong thời gian này, lợi dụng việc anh Hoàng không thường xuyên có mặt kiểm tra, các nhân viên đã tổ chức đánh bạc trái phép và bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý. Trường hợp này, anh Hoàng có bị xử lý theo quy định của pháp luật không?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Khoản 3 Điều 28 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đối với hành vi đánh bạc trái phép như sau:
“Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay trái phép tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác;
b) Bán số lô, số đề, bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề, giao lại cho người khác để hưởng hoa hồng;
c) Giúp sức, che giấu việc đánh bạc trái phép;
d) Bảo vệ các điểm đánh bạc trái phép;
đ) Chủ sở hữu, người quản lý máy trò chơi điện tử, chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử hoặc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác thiếu trách nhiệm để xảy ra hoạt động đánh bạc ở cơ sở do mình quản lý.”
Căn cứ quy định nêu trên, anh Hoàng là người trông coi, quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí K. nhưng anh đã thiếu trách nhiệm để xảy ra hoạt động đánh bạc ở cơ sở do mình quản lý, do đó anh bị xử phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000. Đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí K từ 06 tháng đến 12 tháng.

6. Công ty L hoạt động trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm do đó có một số phòng/khu vực là nơi điều chế thuốc, hóa học nguy hiểm. Tuy nhiên, theo phản ánh của công nhân, công ty hiện vẫn chưa niêm yết biển cấm, biển cảnh báo tại khu vực, nơi nguy hiểm này theo quy định của pháp luật. Vậy, Công ty L có bị xử lý theo quy định của pháp luật không?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 29 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đối với hành vi vi phạm quy định trong việc ban hành, phổ biến và thực hiện nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ, biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ như sau:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Chấp hành không đầy đủ nội quy về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của người hoặc cơ quan có thẩm quyền;
b) Niêm yết nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở nơi bị che khuất tầm nhìn hoặc để bị mất tác dụng;
c) Niêm yết biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy không đúng quy cách, mẫu quy định.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không niêm yết biển báo, biển cấm, sơ đồ, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy; biển cấm, biển cảnh báo tại khu vực, nơi nguy hiểm theo quy định của pháp luật;
b) Không chấp hành nội quy về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của người hoặc cơ quan có thẩm quyền;
c) Không phổ biến nội quy về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho những người trong phạm vi quản lý;
d) Ban hành nội quy về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ không đầy đủ nội dung quy định hoặc không phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của cơ sở.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết nội quy về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không có hoặc có nội quy phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhưng trái với các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.”
Như vậy, hành vi không niêm yết biển cấm, biển cảnh báo tại khu vực, nơi nguy hiểm theo quy định của pháp luật của công ty L sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng (đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân).

7. Bà Nhi là chủ cơ sở bán lẻ gas của thị trấn. Do cửa hàng có diện tích nhỏ nên bà thường bố trí, sắp xếp bình gas tràn ra vỉa hè nơi đông người qua lại không đảm bảo theo quy định, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ. Vậy, bà Nhi có bị xử lý theo quy định của pháp luật không?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 32 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đối với hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý, bảo quản và sử dụng chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ như sau:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không có sổ sách, hồ sơ theo dõi, quản lý chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi bảo quản, bố trí, sắp xếp chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ không đúng nơi quy định hoặc vượt quá số lượng, khối lượng hoặc sắp xếp không bảo đảm khoảng cách, không theo từng nhóm chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị, phương tiện chứa, đựng chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ không có Giấy chứng nhận kết quả kiểm định hoặc không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi mang chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trái phép vào nơi tập trung đông người.
6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều này;
b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc bảo quản, bố trí, sắp xếp, giảm số lượng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.”
Căn cứ quy định trên, đối với hành vi bố trí hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ không đúng nơi quy định của bà Nhi sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc bà phải bảo quản, bố trí, sắp xếp, giảm số lượng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định.

8. Doanh nghiệp D kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu. Trong một lần vận chuyển xăng tới các đại lý, do nhầm lẫn trong đơn hàng nên doanh nghiệp D đã cho tài xế chuyển toàn bộ xăng xuống tại địa điểm không bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy để quay lại nhập hàng. Trường hợp này, hành vi của doanh nghiệp D sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Khoản 5 Điều 34 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đối với hành vi vi phạm quy định trong vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ như sau:
“5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ vượt quá số lượng, khối lượng, không đúng chủng loại quy định trong giấy phép;
b) Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
c) Sử dụng giấy phép giả để vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
d) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
đ) Không thực hiện các điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy hoặc không tuân theo sự hướng dẫn của người điều hành có thẩm quyền khi bốc, dỡ, bơm, chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ ra khỏi phương tiện vận chuyển theo quy định;
e) Không có hoặc không duy trì các biện pháp an toàn phòng cháy và chữa cháy cho thiết bị, đường ống chuyển chất khí, chất lỏng dễ cháy, nổ theo quy định của pháp luật;
g) Bốc, dỡ, bơm, chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ tại địa điểm không bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy;
h) Bốc, dỡ, bơm, chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ đang trên đường vận chuyển sang phương tiện khác khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.”
Như vậy,việc chuyển toàn bộ xăng xuống tại địa điểm không bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy của doanh nghiệp D là hành vi vi phạm quy định trong vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ và mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân). Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc doanh nghiệp di chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ đến kho, địa điểm theo quy định.

9. Anh Hải và chị Ngân đã kết hôn với nhau 15 năm. Thời gian gần đây, chị Ngân thường xuyên đi chơi với bạn bè về muộn. Nghi ngờ chị Ngân gặp gỡ với người khác, anh Hải đã đăng ảnh và dùng ngôn từ thiếu chuẩn mực để xúc phạm chị Ngân trên mạng xã hội dù chưa biết rõ sự việc. Trường hợp này, hành vi của anh Hải sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 54 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình như sau:
“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
b) Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;
c) Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.”
Như vậy, việc làm trên của anh Hảihành vi sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chị Ngân, do đó anh sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc anh Hải phải xin lỗi công khai khi chị Ngân có yêu cầu và buộc anh Hải thu hồi bài viết, hình ảnh đối với hành vi nêu trên.

10. Chị Ngọc và anh Thành dự định kết hôn. Tuy nhiên, ông Lý (bố chị Ngọc) không đồng ý vì cho rằng gia cảnh của anh Thành không tương xứng. Do đó ông Lý đã cấm chị Ngọc ra khỏi nhà, ngăn cản chị gặp gỡ anh Thành, đồng thời gây áp lực để chị kết thúc mối quan hệ với anh Thanh. Vậy hành vi trên của ông Lý có bị xử lý theo quy định không?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 55 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đối với hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý như sau:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó;
b) Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc;
c) Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục;
b) Có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.”
Căn cứ quy định nêu trên, việc ông Lý cấm chị Ngọc ra khỏi nhà, ngăn cản và gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với chị Ngọc để chị không tiếp tục gặp anh Thành là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, do đó ông Lý sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, ngoài ra buộc ông xin lỗi công khai khi chị Ngọc có yêu cầu.

11. Anh Giang kết hôn với chị Nguyệt và cùng chung sống với cháu Nam (con riêng của Chị Nguyệt). Tuy nhiên, do cháu Nam không phải con đẻ nên anh Giang thường xuyên la mắng, đánh đập cháu. Chứng kiến vụ việc bạo hành, bà Ngân đã nhiều lần can ngăn và nói sẽ báo cơ quan có thẩm quyền can thiệp. Tuy nhiên, anh Giang không hối cải mà còn cố tình dùng lời nói đe dọa, ngăn bản bà Ngân báo tin. Hành vi của anh Giang sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 60 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đối với hành vi bạo lực đối với người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình như sau:
“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đe dọa người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình;
b) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hành hung người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình;
b) Đập phá, hủy hoại tài sản của người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
b) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.”
Căn cứ quy định nêu trên, anh Giang đã có hành vi đe dọa bà Ngân nhằm ngăn chặn bà báo tin bạo lực gia đình, do đó, anh Giang sẽ bị xử pạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, ngoài ra, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc anh Giang xin lỗi công khai khi bà Ngân có yêu cầu.

12. Anh Thái là nhân viên của Trung tâm bảo trợ và chăm sóc trẻ em. Vừa qua, anh nhận được tin báo và đề nghị giúp đỡ về vụ việc cháu A bị mẹ kế bạo hành. Do đó, cháu A được anh Thái đưa về Trung tâm để chăm sóc và chữa trị. Sau khi mẹ ruột cháu tới để đón cháu thì anh Thái yêu cầu mẹ cháu phải trả khoản tiền bồi dưỡng vì anh đã giúp đỡ cháu. Trường hợp này, hành vi của anh Thái sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Điều 65 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đối với hành vi lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để trục lợi như sau:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đòi tiền của nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân sau khi có hành động giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình;
b) Yêu cầu thanh toán chi phí sinh hoạt của nạn nhân ở địa chỉ tin cậy tại cộng đồng;
c) Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của nạn nhân bạo lực gia đình để yêu cầu họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Thành lập cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình để hoạt động trục lợi;
b) Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a và b khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.”
Căn cứ quy định trên, hành vi đòi tiền của mẹ cháu A sau khi có hành động giúp đỡ là hành vi lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để trục lợi. Do đó, anh Thái sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, ngoài ra áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc anh Thái nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH CẨM XUYÊN
Thống kê: 115.465
Trong năm: 14.341
Trong tháng: 12.487
Trong tuần: 7.257
Trong ngày: 241
Online: 19