Để xác định chưa đủ 18 tuổi có được nhận thừa kế không thì cần xem xét hai trường hợp chia thừa kế được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 số 91/2015/QH13: Chia di sản thừa kế theo di chúc và chia di sản thừa kế theo pháp luật. Cụ thể:
1.1. Thừa kế theo di chúc
Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của một người nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Mọi cá nhân đều có quyền lập di chúc và phân định các phần di sản cho từng người thừa kế theo ý nguyện.
Do đó nếu người chết để lại di chúc cho người dưới 18 tuổi thì di chúc đó sẽ vẫn được thực hiện theo ý nguyện của người đã qua đời.
Tuy nhiên, đối với di sản là động sản hoặc bất động sản, để được định đoạt tài sản thì người dưới 18 tuổi vẫn bắt buộc cần đến sự thông qua của người đại diện hoặc người giám hộ để được nhận thừa kế.
Bởi việc thực hiện các giao dịch dân sự đối với người chưa thành niên được quy định tại Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Đối với người dưới 06 tuổi: mọi giao dịch dân sự đều phải thông qua người đại diện hoặc giám hộ xác lập, thực hiện.
- Đối với người từ 06 - 15 tuổi: mọi giao dịch dân sự đều cần có được sự đồng ý từ phía người giám hộ hoặc người đại diện.
- Đối với người từ 15 - chưa đủ 18 tuổi: trừ giao dịch liên quan đến bất động sản, động sản thì mọi giao dịch dân sự đều có thể tự mình xác lập.
*Lưu ý: Trong trường hợp người dưới 18 tuổi là con nhưng lại không được nhắc tới trong di chúc thì vẫn sẽ nhận được 2/3 di sản của người đã chết (căn cứ Điều Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015)
1.2. Thừa kế theo pháp luật
Trường hợp người đã mất không để lại di chúc thì di sản thừa kế sẽ được phân chia theo pháp luật căn cứ vào các hàng thừa kế được quy định tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự gồm:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy, trong trường hợp người chưa 18 tuổi là con ruột/con nuôi của người đã chết thì sẽ được ưu tiên chia di sản trước theo hàng thừa kế thứ nhất và phần di sản được hưởng sẽ bằng với những người khác trong cùng hàng theo khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015.
Cần lưu ý rằng người ở hàng thừa kế sau sẽ chỉ được hưởng thừa kế khi người ở hàng thừa kế trước đã chết, bị truất quyền hoặc từ chối nhận di sản. Trường hợp người ở hàng thừa kế thứ nhất chết thì con cái của người ở hàng thừa kế thứ nhất sẽ được thừa kế thế vị.
Căn cứ Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về điều kiện được hưởng thừa kế bao gồm:
- Người còn sống vào tại thời điểm mở thừa kế;
- Người mới sinh được hình thành thai nhi trước khi người để lại di sản chết và hiện vẫn còn sống;
- Nếu không phải cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Đồng thời, theo khoản 3 Điều 651 và khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự, nếu thuộc các trường hợp dưới đây sẽ không được nhận thừa kế:
- Người nhận thừa kế bị kết án có hành vi ngược đãi, hành hạ, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự và tinh thần người để lại di sản.
- Người nhận thừa kế vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với người để lại di sản.
- Người nhận thừa kế bị kết án có hành vi xâm phạm tính mạng của người thừa kế khác nhằm tranh giành phần thừa kế mà người đó được hưởng.
- Người có hành vi giả mạo, sửa chữa, hủy bỏ, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
- Người thực hiện từ chối nhận di sản thừa kế.
Tuy nhiên, nếu người để lại di sản đã biết những hành vi trên nhưng vẫn muốn cho người đó hưởng di sản thì người đó vẫn sẽ được hưởng đúng như theo ý nguyện trong di chúc.
Như vậy, người chưa đủ 18 tuổi sẽ được hưởng di sản thừa kế theo từng trường hợp phân chia di sản thừa kế ở trên cùng với điều kiện của từng hình thức đó.
2. Thủ tục nhận di sản thừa kế đối với người chưa đủ 18 tuổi
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người để lại di sản | Người thừa kế |
Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản: - Đối với động sản: Đăng ký xe ô tô, xe máy ; sổ tiết kiệm… - Đối với bất động sản: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ, Sổ hồng) ; Biên bản bàn giao nhà đất… - Giấy chứng tử/Trích lục khai tử. - Giấy tờ tùy thân/giấy khai tử của bố mẹ, vợ chồng người đã chết. - Giấy đăng ký kết hôn… | - Căn cước công dân/Căn cước công dân gắn chip/Chứng minh nhân dân - Giấy khai sinh. - Giấy xác nhận cư trú (nếu cần) |
Phiếu yêu cầu công chứng. |
Bước 2 : Nộp hồ sơ
Người thừa kế cần mang đầy đủ giấy tờ đến phòng công chứng/văn phòng công chứng tại tỉnh, thành phố nơi có bất động sản.
Công chứng viên có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát hồ sơ đủ điều kiện hay không. Nếu không sẽ yêu cầu bổ sung hoặc từ chối tiếp nhận theo.
Bước 3: Niêm yết hồ sơ
Sau khi hoàn thành xong thủ tục công chứng thì cần mang đầy đủ giấy tờ đi niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi thường trú của người để lại di sản. Trường hợp không có nơi thường trú thì có thể ra UBND cấp xã nơi tạm trú của người để lại di sản.
Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định trên và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.
Thời hạn: 15 ngày kể từ ngày niêm yết (Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP)
Bước 4: Nộp phí công chứng
Phí công chứng bao gồm phí công chứng và thù lao công chứng theo Điều 66 Luật công chứng 2014 số 53/2014/QH13.
Trong đó, phí công chứng được nêu tại Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC, sửa đổi bổ sung bởi Điều 1 Thông tư 111/2017/TT-BTC.
Thù lao công chứng sẽ do các tổ chức hành nghề công chứng quy định. Tuy nhiên mức thù lao không được vượt quá mức trần quy định từng tỉnh thành.